Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Thu phí ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam): Bắt khách phải...lặn biển? |

 

Du khách quốc tế đến tham quan và nghỉ lại trên đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Đ.H

Du khách quốc tế đến tham quan và nghỉ lại trên đảo cù lao chàm. Ảnh: Đ.H

 

Không lặn cũng mất tiền?

Có hiệu lực từ đầu tháng 3, quy định mức thu và đối tượng miễn, giảm phí tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã gây ra không ít “bão” đối với người dân và các doanh nghiệp lữ hành du lịch. Theo mức mà Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông báo thu phí thì: “Tham quan và bơi lặn biển không khí tài: 40.000 đồng/ lượt; Tham quan và bơi lặn biển có khí tài 60.000 đồng/ lượt”. Tuy nhiên, mức giá và cách làm này đã gặp không ít ý kiến phản đối.

Theo ông Dương Văn Chiến, Giám đốc Công ty CP Du lịch và thương mại Cù Lao Xanh thì trước khi có mức thu phí mới này, BQL đã thu phí tham quan Cù Lao Chàm chỉ 10.000 đồng/lượt, lặn biển ngắm san hô không khí tài thì 30.000 đồng/lượt. Hai mức thu phân biệt rõ ràng. Bây giờ áp dụng mức thu phí mới lại gộp vào nhau, rất vô lý. &Ldquo;Trong thông báo ghi rõ tham quan và bơi lặn biển không khí tài 40.000 đồng/lượt. Như thế có nghĩa là tách ra tham quan riêng, bơi lặn biển riêng. Nếu khách du lịch của chúng tôi chỉ có nhu cầu tham quan Cù Lao Chàm, không muốn bơi lặn biển thì BQL cũng lấy 40.000 đồng/lượt hay sao? Nếu thu như vậy thì vô hình trung là bắt khách du lịch nhấn xuống nước à?”, ông Chiến đặt câu hỏi.

Còn ông Trần Hùng, Giám đốc Công ty Sông Hội Tourist cho rằng, qua mấy ngày áp dụng thu phí mới, nhiều khách du lịch cho rằng công ty ông "lừa đảo để lấy thêm tiền". Dù phía Công ty có giải thích thì họ cũng không tin vì thấy vô lý. &Ldquo;Một số khách của công ty chúng tôi nói là công ty lừa đảo để lấy tiền, vì họ không lặn ngắm san hô cũng mất tiền. Trong khi thông báo ghi rõ hai vế, tham quan và lặn mới mất 40.000 đồng. Như thế, rất mất uy tín của doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều lúc thời tiết lạnh, nếu cứ áp dụng như thế thì chẳng lẽ lại bắt khách lặn biển trong giá rét à? Quá là vô lý”, ông Hùng bức xúc.

Ngoài ra, mức áp dụng thu phí mới này cũng gây khó chịu cho người dân xã đảo Tân Hiệp. Theo người dân phản ánh, cứ mỗi lần ra vào đảo thì họ phải trình báo giấy tờ với BQL để chứng minh là người dân địa phương. Trong lúc, nhà của người dân trên đảo, quyền đi về và tự do đi lại là của họ, sao lại phải trình báo.

&Ldquo;Có phải ai đi ra vào đảo lúc nào cũng cầm theo giấy tờ tùy thân đâu. Chưa kể người già, trẻ em chưa làm chứng minh nhân dân hoặc có chứng minh nhân dân mà đã mất chưa làm lại thì làm sao? Những em nhỏ chưa đủ tuổi làm giấy chứng minh nhân dân thì phải cầm theo hộ khẩu à? Lỡ đi ra vào đảo bị ướt hết thì sao? Tôi thấy rất vô lý”, ông Phan Hưng, người dân trên đảo Cù Lao Chàm cho biết.

Vẫn áp giá theo cách cũ

 

Bà Trần Thị Hồng Thúy: “Việc điều chỉnh giá vé là cách đảm bảo quyền lợi cho khách khi đến Cù Lao Chàm có thể thưởng ngoạn hết cảnh đẹp cũng như giá trị của nó”.

Bà Trần Thị Hồng Thúy: “Việc điều chỉnh giá vé là cách đảm bảo quyền lợi cho khách khi đến Cù Lao Chàm có thể thưởng ngoạn hết cảnh đẹp cũng như giá trị của nó”.

 

Theo tìm hiểu, để áp dụng mức thu phí mới này, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã căn cứ Nghị quyết số 131/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 02/02/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thì việc điều chỉnh giá vé là cách đảm bảo quyền lợi cho khách khi đến Cù Lao Chàm có thể thưởng ngoạn hết cảnh đẹp cũng như giá trị của nó. Về Nghị quyết của HĐND tỉnh thì có chăng chỉ là sự nhầm lẫn trong câu từ, lỗi kỹ thuật của HĐND tỉnh Quảng Nam. &Ldquo;Chúng tôi đang làm tờ trình xin ý kiến UBND TP Hội An trình lên UBND tỉnh Quảng Nam giải thích câu từ. Có lẽ khoảng 5-10 ngày sau, tỉnh sẽ có văn bản hiệu đính Nghị quyết của HĐND tỉnh”, bà Thúy cho biết.

Giải thích về những phiền phức mà người dân địa phương gặp phải, bà Thúy cho rằng sẽ tạo điều kiện hết sức để làm sao người dân địa phương thoải mái trong việc đi lại. Những phản ánh về cung cách kiểm soát, phục vụ của nhân viên kiểm soát vé chưa được tốt, phía BQL rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, bà Thúy cũng khẳng định: “Trước mắt BQL vẫn áp giá theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng sẽ nghiên cứu, đề xuất để dung hòa giữa quyền lợi doanh nghiệp và khách du lịch, đảm bảo không thất thu để làm sao vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ bền vững an toàn sinh thái ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”.

Trong lúc đó, theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại và Du lịch TP Hội An thì nên chăng thành phố làm hai cổng ra vào Cù Lao Chàm. Có nghĩa là một cổng dành cho du khách, một cổng dành cho người dân địa phương để dễ kiểm soát.

 

Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009. Từ đó đến nay, lượng khách du lịch đến đây ngày một tăng. Tính đến năm 2013, số lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm là 157.000 lượt, tăng gần 5,9 lần so với năm 2009.

 

Đức Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét